Lễ chào cờ và bài hát Quốc ca

Cập nhật lúc: 14:38 09/09/2017

Ở tất cả mọi quốc gia, lễ chào cờ và hát Quốc ca luôn là một nghi thức thiêng liêng nhất bởi đó là biểu tượng của mỗi dân tộc, gắn liền với lịch sử, vận mệnh, ý chí, khát vọng của dân tộc ấy. Mỗi con người đứng nghiêm trang trong lễ chào cờ, cất vang âm hưởng hào hùng của bài hát Quốc ca đều có một cảm xúc thật đặc biệt, đó là khi tâm hồn mình hòa quyện cùng hồn thiêng sông núi để cảm nhận rõ hơn lòng yêu nước chảy trong huyết quản, khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm công dân của mỗi người.

Ở tất cả mọi quốc gia, lễ chào cờ và hát Quốc ca luôn là một nghi thức thiêng liêng nhất bởi đó là biểu tượng của mỗi dân tộc, gắn liền với lịch sử, vận mệnh, ý chí, khát vọng của dân tộc ấy. Mỗi con người đứng nghiêm trang trong lễ chào cờ, cất vang âm hưởng hào hùng của bài hát Quốc ca đều có một cảm xúc thật đặc biệt, đó là khi tâm hồn mình hòa quyện cùng hồn thiêng sông núi để cảm nhận rõ hơn lòng yêu nước chảy trong huyết quản, khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm công dân của mỗi người.

Bài hát Quốc ca của Việt Nam là bài Tiến quân ca do nhạc sỹ Văn Cao sáng tác. Đây là ca khúc do chính Bác Hồ chọn lựa làm bài hát chung của cả dân tộc và được cất lên lần đầu tiên giữa đông đảo quốc dân vào ngày 17/8/1945 trong cuộc mitting của nhân dân Hà Nội tại Nhà hát lớn. Ngày 2/9/1945, bài hát Tiến quân ca chính thức được cử hành trong lễ Tuyên ngôn độc lập của đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những lời hát “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu nước, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than”, “đứng đều lên gông xích ta đập tan” đã nêu bật khát vọng độc lập và ý chí thoát khỏi xiềng xích nô lệ của dân tộc tại thời điểm lịch sử ấy. Câu hát kết “Đứng lên, cùng đứng lên, nước non Việt Nam ta vững bền” như một lời hiệu triệu thiêng liêng, mang trong mình cả truyền thống hào hùng của một dân tộc anh hùng và cả một tương lai tươi sáng, một khát vọng cháy bỏng về một nước Việt tự chủ, thống nhất, trường tồn.

Hơn 70 năm qua, trong suốt hành trình giành độc lập và hành trình xây dựng đất nước, âm hưởng hào hùng của bài hát Quốc ca luôn hiện diện trong từng con người Việt Nam, được cất vang từ trong trại giam của quân thù đến công trường xây dựng, từ vùng biên giới đến các đảo xa, từ trường mầm non đến các diễn đàn nghị sự quốc tế. Từng câu chữ, giai điệu đã trở thành đại chúng, nhắc nhở trách nhiệm và tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người trong hoàn cảnh khó khăn nhất cũng như giây phút vinh quang nhất. Đó là biểu tượng cho khát vọng của mỗi người, cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, việc giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức công dân thông qua lễ chào cờ rất được chú trọng. Ngay từ độ tuổi mầm non, các công dân nhỏ tuổi đã được dạy về nghi thức chào cờ và bài hát Quốc ca. Đến các bậc học cao hơn, thiếu niên, nhi đồng tiếp tục được giáo dục sâu hơn về ý nghĩa của từng câu chữ, giai điệu của ca khúc để hát đúng lời, đúng nhịp, để thêm tự hào về đất nước, dân tộc mình. Không chỉ các trường học, các cơ quan, đơn vị cũng nỗ lực xây dựng một lễ chào cờ theo định kỳ. Tiêu biểu có thể kể đến lễ chào cờ vào sáng thứ 2 tuần đầu tiên trong tháng của Đoàn khối Cơ quan chính quyền thành phố. Các đoàn viên thanh niên chỉnh tề trong màu áo xanh, cùng nghiêm trang hướng về lá cờ đỏ sao vàng và cất cao bài hát Quốc ca. Âm hưởng ấy đã cộng hưởng với ý thức của mỗi công nhân viên chức trẻ để mỗi người hăng hái hơn, tích cực hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Vào các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2/9, lễ chào cờ được tổ chức trọng thể, nghiêm trang tại Quảng trường 10/3. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng nhất của các buổi mít tinh, các sự kiện văn hóa – chính trị của thành phố. Toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên,... không phân biệt tuổi tác, thành phần, tôn giáo, tất cả cùng hướng về lá cờ đỏ sao vàng, hướng về lý tưởng chung của cả dân tộc để cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của độc lập tự do, của khát vọng hòa bình, thịnh vượng. Không khí thiêng liêng ấy còn nhắc nhở nhiệm vụ của mỗi người, đó là cùng đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương 10/3 anh hùng; cùng vun đắp cho sự phồn vinh của đất nước để sánh vai cùng bốn bể năm châu, để màu cờ của dân tộc thêm thắm, bản hùng ca của dân tộc mãi ngân vang, trường tồn.

Đinh Nga